Nguồn gốc, ý nghĩa và những điều chưa biết về can chi

Nhắc tới tinh hoa văn hóa và triết học phương Đông, không ai lại không biết ngoài học thuyết Âm Dương, Ngũ hành thì còn có hệ thống Can Chi, hay còn gọi là Thiên Can và Địa Chi. Hệ thống mang đầy tính triết lý và khái quát này đã gắn liền với nếp sống của người phương Đông trong nhiều thế kỷ và tới ngày nay chúng ta vẫn tiếp tục quen thuộc với cách tính Can Chi của người xưa như một phần đời sống tinh thần không thể thay thế.
Nguồn gốc của can chi ra sao là điều mà rất nhiều độc giả và khách hàng yêu thích văn hóa dân tộc và tinh hoa triết lý phương Đông quan tâm tới. Để trả lời một cách chính xác và ngắn gọn nhất, sau đây Cương Duyên xin được chia sẻ một số thông tin.
Can chi có từ khi nào?
Các tài liệu lịch sử ngày nay đã có được những bằng chứng cho thấy cách tính lịch theo can chi đã có từ thời nhà Thương ở Trung Quốc. Thời điểm cụ thể có những dấu tích xa xưa nhất của cách tính này là khoảng thế kỷ 13 trước Công Nguyên, có nghĩa là cách đây hơn 3.000 năm. Tuy nhiên, để phát triển hoàn thiện thành một hệ thống lịch pháp gắn liền với những triết lý sâu xa về tự nhiên và xã hội như ngày này chúng ta biết thì phải sau đó vài thế kỷ nữa.
Nguồn gốc của thiên can và địa chi
Người Trung Hoa cổ xưa cũng như nhiều nền văn hóa phương Đông – trong đó có Việt Nam ta – sống gắn bó và phụ thuộc vào việc canh tác nông nghiệp, mà chủ yếu là cây lúa. Vì thế trên thực tế can và chi đều được ra đời dựa trên các chu kỳ phát triển của cây cỏ - nhất là cây lúa.
Mặt khác, người Trung Quốc xưa kia quan niệm trời (thiên) là đứng trên tất cả, rồi mới tới đất (địa). Do đó khi các triết gia cổ đại của Trung Quốc khám pha ra qui luật vận động của tự nhiên và cách mà những qui luật đó tác động lên con người, họ phân nó ra làm hai phần tương hỗ nhau là Thiên Can và Địa Chi (mà ngày nay chúng ta thường gọi tắt là can chi). Thiên Can là thân cây của trời, còn Địa Chi là cành cây của đất, hàm ý rằng trời là trung tâm còn đất có thể sinh sôi là nhờ có trời.
Theo nhà nghiên cứu Đặng Vũ Tuấn Sơn – Chủ tịch Hội Thiên văn và Vũ trụ học Việt Nam (VACA), “người Trung Quốc vào thời nhà Thương tin rằng có tất cả mười Mặt Trời trên bầu trời. Do đó có 10 thiên can được đặt bằng những cái tên để gọi 10 Mặt Trời đó. Trong khi đó, 12 địa chi lại xuất phát từ việc quan sát Sao Mộc – một hành tinh trong Hệ Mặt Trời. Người ta nhận thấy Sao Mộc cứ gần đúng 12 năm lại quay về vị trí cũ trên bầu trời. Con số này lại trùng hợp với việc cứ khoảng 12 tuần Trăng thì một năm qua đi, mùa xuân lại tới và chu kỳ thời tiết, mùa màng lại quay lại từ đầu. Vì lý do đó, người thời xưa đã coi con số 12 này là một chu kỳ đặc biệt và gọi Sao Mộc là Tuế Tinh.”
Mặt khác, trên bầu trời thì ngoài Sao Mộc ra, còn có một hành tinh có chu kỳ trở về vị trí cũ dài hơn, đó là Sao Thổ. Mất tới 30 năm để Sao Thổ trở lại vị trí ban đầu trên bầu trời. Nếu ta lấy bội số chung nhỏ nhất của 12 và 30 thì được 60, tức là cứ 60 năm thì cả Sao Mộc, Sao Thổ và các hành tinh khác (Sao Thủy, Sao Kim, Sao Hỏa) đều trở về đúng vị trí cũ.
Con số 60 này lại cũng là bội số của 10 can và 12 chi, tức là cứ sau 60 năm thì một vòng chu kỳ tuần hoàn mới lặp lại, chẳng hạn người sinh năm 1984 là tuổi Giáp Tí, thì phải 60 năm sau (2044) mới lại có năm Giáp Tí. Tuổi thọ phổ biến của con người, nhất là thời xa xưa, thường chỉ dừng lại ở khoảng trên dưới 60 năm. Do đó, chu kỳ 60 năm này còn phản ánh cả chu kỳ tuần hoàn sinh-tử trong quan niệm phương Đông. Một vòng tuần hoàn 60 năm đó còn được gọi là một chu kỳ Lục thập hoa giáp.
Ý nghĩa của 10 can và 12 chi
Qua những chia sẻ trên, chúng ta có thể thấy rằng quy luật can chi gắn liền với đời sống hàng ngày mà dường như bất cứ ai cũng biết thực ra không hề đơn giản hay là những quy tắc ngẫu nhiên, mà đã được đặt ra dựa trên những quan sát và đúc kết đầy kỳ công, và hơn thế nữa là được lồng ghép vào nhiều tính triết lý sâu xa liên quan tới chính cuộc sống của con người.
Dựa vào vòng đời sinh trưởng của cỏ cây, người Trung Quốc đã đặt tên cho các can và chi để mô tả các giai đoạn khác nhau. Dưới đây là danh sách và ý nghĩa của từng can và chi mà thông thường còn ít người biết tới.
10 thiên can, hàm ý về các đặc điểm và quá trình phát triển của cây gắn liền với đời sống của con người.
1. Giáp (甲): Vỏ, ngụ ý rằng vạn vật đều nảy nở từ những hạt cây trong đất.
2. Ất (乙): cỏ cây bắt đầu lớn lên và lá xuất hiện.
3. Bính (丙): đón ánh nắng và sáng lên
4. Đinh (丁): trưởng thành và khỏe mạnh
5. Mậu (戊): cây cỏ cùng vạn vật phát triển tươi tốt khắp nơi
6. Kỉ (己): phát triển mạnh mẽ và đơm hoa kết trái
7. Canh (庚): mùa thu hoạch đã tới gần
8. Tân (辛): một mùa mới đang chờ
9. Nhâm (壬): sau thu hoạch, hạt lại nằm trong lòng đất đợi ngày ra đời
10. Quý (癸): những cỏ cây mới đã sắp nảy mầm để bắt đầu chu kỳ mới
Ngoài ra, các can còn được gắn với quy luật Âm Dương, Ngũ hành. Cứ một Âm lại đến một Dương, đồng thời cứ hai can liên tiếp thì ứng với một hành.
Cụ thể:
- Giáp, Bính, Mâu, Canh và Nhâm mang tính Dương. Còn Ất, Đinh, Kỷ, Tân và Quý mang tính Âm.
- Giáp và Ất tương ứng với Mộc, Bính và Đinh thì ứng với Hỏa, Mậu và Kỷ là Thổ, Canh và Tân là Kim, còn Nhâm và Quý là Thủy.
12 địa chi tương ứng với 12 giai đoạn liên tiếp từ khi thai nghén, nảy mầm cho tới khi phát triển và cuối cùng là chết đi của cây cối.
1. Tý (子): hạt nảy mầm và hút nước
2. Sửu (丑): mầm đã nảy và vươn khỏi mặt đất
3. Dần (寅): cây vươn về phía ánh Mặt Trời
4. Mão (卯): cành và lá mọc rậm rạp
5. Thìn (辰): tăng trưởng nhanh chóng
6. Tỵ (巳): phát triển đầy đủ và trưởng thành
7. Ngọ (午): sung mãn hoàn toàn
8. Mùi (未): quả đã chín
9. Thân (申): bắt đầu già đi
10. Dậu (酉): khô héo dần
11. Tuất (戌): úa tàn
12. Hợi (亥): chết đi
Như vậy, ý nghĩa ban đầu của các chi vốn không phải là chỉ các con vật như hầu hết chúng ta vẫn thường nghĩ. Việc gán các chi với các con vật diễn ra sau đó, được cho là vào thời nhà Hán ở Trung Quốc. Ở Việt Nam ta, các con vật vẫn được gán giống như cách người Trung Quốc đã làm, trừ chi Mão ở Trung Quốc vốn là thỏ nhưng người Việt ta lại đặt là mèo, có lẽ vì trong văn hóa dân gian của chúng ta thì con mèo gần gũi hơn.
Các chi cũng mang yếu tố Âm-Dương xen kẽ nhau. Theo đó thì Tí, Dần, Thìn, Ngọ, Thân và Tuất mang tính Dương; còn Sửu, Mão, Tỵ, Mùi, Dậu và Hợi mang tính Âm.
Với việc đặt ra qui ước về ngày tháng dựa trên các vận động của tự nhiên, kết hợp với việc đưa vào các yếu tố trong học thuyết Âm Dương, Ngũ hành, qui tắc can chi của người phương Đông mà chúng ta dùng tới tận ngày nay sớm đã mang tính triết lý rất cao và được đông đảo người phương Đông vận dụng vào đời sống và cả trong lịch pháp.
Qua bài viết này, Cương Duyên hi vọng rằng đã mang lại cho độc giả và quý khách hàng nhiều thông tin thú vị về văn hóa cổ truyền của Việt Nam ta nói riêng và phương Đông nói chung.
Việc tìm hiểu kiến thức cổ xưa cũng là một nhu cầu được rất nhiều người quan tâm khi lựa chọn các sản phẩm thủ công mỹ nghệ. Sản phẩm gốm sứ của Cương Duyên trong nhiều năm qua ngoài việc đề cao tính thẩm mỹ thì cũng luôn tính tới việc đáp ứng được nhu cầu văn hóa, phong thủy cho người sử dụng. Mời quý khách tới với xưởng chế tác và phòng trưng bày của Cương Duyên để được tư vấn, hỗ trợ và lựa chọn cho mình những sản phẩm ưng ý nhất.
CƠ SỞ SẢN XUẤT GỐM SỨ CƯƠNG DUYÊN
• Xưởng chế tác: Lô A51, KCN Bát Tràng, Gia Lâm, Hà Nội
• Showroom: K28-29-30, KCN Bát Tràng, Gia Lâm, Hà Nội
• Cửa hàng 1: Số 136A, Xóm 5, Bát Tràng, Gia Lâm, Hà Nội
• Cửa hàng 2: Số 47C, Chợ gốm Bát Tràng, Gia Lâm, Hà Nội
• Điện thoại: 0914 271 092
• Email: cuongduyen.vn@gmail.com
