Nơi kết tinh của nghệ thuật, tâm huyết và tài hoa

09/09/2020
PHẠM CẨM LINH
Đã copy link

Rời khỏi nội thành ồn ã và bụi bặm của đất Thủ đô vào một sớm mùa thu, tôi tới với mảnh đất Bát Tràng nơi kết tinh của sáng tạo và tài hoa. Nghe đã nhiều, thấy cũng đã nhiều, nhưng có tới với Bát Tràng để thưởng thức cái không khí mát lành của đồng quê và ngắm nhìn những người nghệ nhân hăng say bên những tác phẩm đang được dần thành hình, ta mới càng thấy hết cái giá trị của một nét nghệ thuật thật độc đáo, góp phần tôn lên cái đẹp và niềm tự hào về nền văn hóa nước Việt ta.

 

Một địa chỉ của tài hoa

Nằm phía Đông Nam của đô thành Hà Nội, ngay khúc quanh của con sông Hồng hiền hòa mà hùng vĩ, Bát Tràng là mảnh đất thật yên bình, khác xa với những con phố tấp nập lúc sáng sớm mà tôi thường thấy của đất Hà Thành. Cái không gian yên ả đó lại càng tươi mát và thơ mộng hơn khi ta cảm nhận được những làn gió mát mang theo cái mùi của cỏ cây, của dòng nước sông Hồng thổi tới.

Một con đường mới mở dẫn tôi vào với khu xưởng chế tác của những nghệ nhân Bát Tràng và dừng trước xưởng gốm Cương Duyên.

Ấn tượng đầu tiên của tôi khi bước vào gian trưng bày chính của Cương Duyên là sự ngỡ ngàng và choáng ngợp. Là một người yêu thích những tác phẩm hội họa, điêu khắc từ nhiều năm qua, cũng như đã nhiều lần tiếp xúc với những sản phẩm gốm sứ, nhưng tôi không khỏi ngạc nhiên khi nhận ra những tác phẩm gốm sứ được chế tác qua bàn tay những người thợ, những người nghệ nhân Bát Tràng lại có thể đẹp, có thể tinh xảo, và có thể kỳ vĩ đến thế.

Toàn cảnh gian trưng bày của xưởng gốm Cương Duyên.

 

Những bộ đồ thờ với đủ kích thước và họa tiết; những cặp lộc bình, những chiếc bình hoa với muôn vàn kiểu dáng và sắc màu như những bức tranh rực rỡ cùng tô điểm cho một căn phòng lộng lẫy và mang đậm màu sắc nghệ thuật dân gian. Dường như, dù hướng cái nhìn về phía nào, cũng thấy ở đó những bức họa tuyệt phẩm.

Say mê ngắm một cặp lộc bình cao tới quá ngực mang họa tiết rồng-phượng, tôi tự hỏi bằng cách nào người ta có thể vẽ nên những hình dạng tinh xảo đến thế trên mặt bình uốn cong tạo thành từ đất. Rồi cả màu sắc và nước men sao lại rực rỡ và sống động tới vậy. Dưới ánh đèn, nước men của những sản phẩm đó đều ánh lên lấp lánh, trong trẻo mà sang trọng đến kỳ lạ.

Tôi lại tới một bàn thờ được bày biện trang nghiêm. Dù chỉ là một bàn thờ bầy mẫu, nhưng cái sắc lam huyền ảo của những bát hương hay đĩa thờ, những họa tiết rồng, phượng hay cánh sen vẫn như mang một cái hồn, cái ý nghĩa tâm linh không thể lẫn đi đâu khác.

Tò mò về những sản phẩm rực rỡ đó, cũng như một thói quen thường tình muốn biết rõ hơn về thứ mình sắp mua, tôi hỏi một đại diện của xưởng về cách mà những món đồ thờ sang trọng và những chiếc bình quyến rũ này ra đời. Chị nói cho tôi biết, rằng tất cả đều là kết quả của một qui trình thật kỳ công, và được đúc rút, kết tinh từ cả một quá trình lao động và sáng tạo của bao đời nghệ nhân Bát Tràng. Mỗi họa tiết đều được vẽ tay và trải qua nhiều công đoạn từ lên ý tưởng, phác thảo cho tới vẽ chi tiết và lên màu bởi cả một đội ngũ những người thợ và nghệ nhân vừa tâm huyết vừa tài hoa.

Càng nghe càng thấy tò mò ghê gớm, tôi xin phép được tham quan quanh xưởng để xem tận mắt việc chế tác của sản phẩm. Nhờ thế, tôi được giới thiệu với từng công đoạn của một qui trình chế tác thật tinh xảo, để rồi lại bắt gặp thêm nhiều ngạc nhiên mới.

 

Tác phẩm ra đời như thế nào

Trước khi tới tận nơi và tham quan những công đoạn chế tác của xưởng gốm Cương Duyên, tôi vốn nghĩ một sản phẩm gốm sứ được ra đời chỉ đơn giản là nhào nặn, tạo hình, thể hiện đường nét, tô màu và lên men trước khi nung để sản phẩm thành hình. Thế nhưng, quả là không có nghệ thuật nào lại đơn giản, và không có tuyệt tác nào là kết quả của chỉ ngày một, ngày hai.

Theo chân người đại diện của Cương Duyên, tôi tới nơi mà những người nghệ nhân say mê bên sản phẩm đang được tạo hình. Được biết, trước khi tiến hành chế tác, mỗi sản phẩm đều được qua công đoạn lên ý tưởng và phác thảo hết sức cẩn thận để có một kế hoạch hoàn chỉnh từ kiểu dáng, kích thước cho tới cách thức chế tác.

Sau khi ý tưởng và thiết kế hoàn thành, một tác phẩm mới chính thức đi vào công đoạn thành hình. Các nghệ nhân chọn loại nguyên liệu phù hợp với mục tiêu tạo hình của sản phẩm (thường là đất sét trắng, nhưng cũng có thể là đất tinh luyện hoặc một số loại khác) và tùy sản phẩm mà cách chế tác có thể là đổ khuôn hoặc vuốt tay.

Vuốt tay tạo hình cho sản phẩm.

 

Có lẽ không cần nói thì ai cũng hiểu rằng sản phẩm vuốt tay đòi hỏi kỹ thuật và sự tinh tế hơn nhiều so với việc đổ khuôn, để cho ra những thành quả giàu tính nghệ thuật hơn. Nhưng có chứng kiến tận mắt những nghệ nhân tạo hình cho sản phẩm bằng đôi tay điêu luyện, ánh mắt đầy say mê và cả sự nhẫn nại tuyệt vời của mình, mới thấy được giá trị của một sản phẩm thủ công như vậy lớn đến nhường nào.

Sau khi đã thành hình, sản phẩm dù vuốt tay hay đổ khuôn lại được tinh chỉnh và kiểm tra thật cẩn thận để bảo đảm bề mặt trơn tru nhất, hình dạng chính xác nhất với thiết kế ban đầu trước khi được sấy khô và chuyển qua công đoạn vẽ họa tiết.

Sang tới khu vực dành cho việc vẽ họa tiết sản phẩm, tôi lại một lần nữa thấy như choáng ngợp bởi hàng chục đôi tay đang miệt mài thổi hồn vào những nét vẽ. Cả một gian xưởng rộng lớn với bao bức họa từ đang phác thảo cho tới đã sắp hoàn thành được thể hiện trên đủ loại sản phẩm với đủ kích thước khác nhau: từ những bát hương khiêm tốn cho bàn thờ gia đình cho tới những lộc bình đứng sừng sững, từ những họa tiết dân giã đã quen thuộc bao đời nay trong văn hóa dân gian cho tới muôn vàn sắc màu hoa cỏ, linh thú. Có người đang phác thảo những đường nét thô sơ để tạo bố cục cho bức họa, người khác lại đang tỉa nét cho từng cánh hoa. Người đang cần mẫn trên từng nét vẽ, người thì tận tình hướng dẫn từng nét bút cho thế hệ đàn em. Nhưng dù già hay trẻ, dù đang làm công đoạn nào, thì ánh mắt của họ cũng toát lên sự sáng tạo và đam mê, hết mình chú tâm vào từng tác phẩm.

Bắt chuyện với một nghệ nhân nhiều năm kinh nghiệm ở Cương Duyên, tôi được anh cho biết việc trang trí họa tiết cho sản phẩm gồm rất nhiều công đoạn. Các nghệ nhân cần chuẩn bị men màu phù hợp cho từng mục đích, tiếp đó mới phác thảo, vẽ chi tiết từng đường nét, tô màu và cuối cùng là phun men trước khi đưa vào lò nung. Chỉ riêng qui trình vẽ họa tiết như vậy đã mất ít nhất là một tuần đối với những sản phẩm nhỏ và tương đối đơn giản, cho tới vài tháng với những sản phẩm có kích thước lớn và họa tiết cầu kỳ, phức tạp. Thế mới thấy, một tác phẩm nghệ thuật đích thức khác xa một sản phẩm công nghiệp như thế nào. Mỗi tác phẩm đều phải trả giá không chỉ bằng công sức và thời gian mà còn bằng cả bao tâm huyết của những người làm nên nó.

Công đoạn vẽ tay đầy kỳ công ở xưởng.

Ấy thế nhưng cái kỳ công của người nghệ nhân còn chưa dừng lại ở đó. Nếu như một người họa sĩ cầm bút vẽ nên một bức họa trên giấy có thể hài lòng ngắm nhìn tác phẩm của mình khi đặt bút xuống và cho đôi tay được nghỉ ngơi, thì sự hồi hộp và lo lắng của người nghệ nhân gốm sứ không tới sớm như vậy.

Đôi khi, chỉ một chút sai khác nhỏ không thể lường trước trong thành phần hóa học của nguyên liệu tạo hình, hay sự biến đổi ngoài mong muốn của thời tiết gây ảnh hưởng tới quá trình nung vốn kéo dài từ một tới vài ngày, sản phẩm ra đời có thể bị sai khác. Không ít lần như vậy, các nghệ nhân lại chỉ biết ngậm ngùi trước đứa con tinh thần đã không được hoàn thiện, trước khi bắt đầu lại tất cả.

Khó khăn là vậy, đổ mồ hôi là vậy, nhưng suốt cả buổi, chẳng lúc nào tôi thấy những mệt mỏi, chán chường trên gương mặt những nghệ nhân từ già tới trẻ ở nơi đây. Để ra đời mỗi sản phẩm là cả một quá trình lao động sáng tạo vất vả như vậy, mà gian trưng bày của xưởng gốm Cương Duyên vẫn rực sáng bởi ánh men trong vắt và lấp lánh của hàng trăm sản phẩm gốm sứ - hàng trăm tác phẩm nghệ thuật thực sự.

Vui vì mua được sản phẩm mình ưng ý, nhưng cái vui có lẽ còn lớn hơn với một người yêu những giá trị nghệ thuật cổ truyền, yêu những nét đẹp của cái hồn văn hóa Việt Nam như tôi là một trải nghiệm thật mới mẻ và sinh động khi tới với Bát Tràng, tới với xưởng gốm Cương Duyên, để say mê ngắm nhìn những đôi tay tài hoa giữa một không gian thật yên ả và trong lành của mảnh đất ven đô, nơi con sông Hồng đã bồi đắp nên cả một nền nghệ thuật sống động, tinh tế và đầy chất thơ của dân tộc.

Vũ Minh
Nhà báo; viết nhân một lần tới thăm xưởng gốm Cương Duyên - Bát Tràng.

---

Cương Duyên xin trân trọng cám ơn Nhà báo Vũ Minh đã dành nhiều tình cảm và những lời đầy tâm huyết. Hình ảnh trong bài gồm hình ảnh tư liệu của Cương Duyên kết hợp với hình ảnh mà chính Nhà báo đã chụp theo đề nghị với xưởng và gửi cho ban biên tập của website.

GỐM SỨ CƯƠNG DUYÊN
Sứ hạng sang - Lam huyền thoại