Phượng hoàng: Từ truyền thuyết tới ý nghĩa phong thủy

06/09/2020
PHẠM CẨM LINH
Đã copy link

Bên cạnh rồng tượng trưng cho vẻ đẹp dũng mãnh và quyền uy, phượng hoàng cũng xuất hiện trong nhiều nền văn hóa khắp thế giới, biểu tượng cho sự thanh cao, mềm mại, hài hòa. Trải qua hàng nghìn năm, hình ảnh phượng hoàng ngày nay vẫn luôn đi cùng sự phát triển của văn hóa, nghệ thuật, đồng thời cũng có nhiều ý nghĩa tích cực trong phong thủy. 

Trong bài này, mời bạn cùng Cương Duyên tìm hiểu về phượng hoàng cùng các ý nghĩa phong thủy của họa tiết phượng hoàng trên các sản phẩm gốm sứ.

 

Nguồn gốc

Phượng hoàng xuất hiện từ xa xưa trong rất nhiều nền văn hóa từ Đông sang Tây. Trong khi rồng của phương Đông và phương Tây có nhiều điểm khác biệt khá rõ rệt thì hình ảnh phượng hoàng lại đa phần là sự tương đồng. Mặc dù có thể có nhiều cách thể hiện và mô tả khác nhau qua nét vẽ của các họa sĩ của từng nền văn hóa, từng thời kỳ, từng phong cách, hay qua lời văn của nhiều người khác nhau, nhưng nhìn chung, phượng hoàng luôn được hình dung là một loài chim lớn với bộ lông đỏ, vàng rực rỡ (hoặc đôi khi có thêm một vài màu khác - chẳng hạn như phượng hoàng trong văn hóa phương Đông có thể có đủ màu sắc tượng trưng cho ngũ hành). Cũng trong hầu hết các nền văn hóa, chim phượng đều tượng trưng cho vẻ đẹp thanh cao, quí phái và sự mềm mại, hài hòa.

Ở nhiều nền văn hóa phương Tây, chẳng hạn như trong thần thoại Hy Lạp, hay trong tín ngưỡng của người Do Thái, phượng hoàng là loài chim cao quý và bất tử. Mỗi khi phượng hoàng đã già, nó sẽ chết đi để rồi sau đó lại tự tái sinh trong ngọn lửa bùng lên từ chính tro tàn của mình.

Câu chuyện về sự tái sinh của phượng hoàng phổ biến tới mức sau này, nó được lồng ghép vào rất nhiều tác phẩm văn học, điện ảnh. Phượng hoàng vì thế cũng đồng thời được coi là loài chim gắn liền với sự bất tử, bất diệt.

Ở phương Đông, phượng hoàng xuất hiện nhiều trong văn hóa Trung Hoa. Ban đầu, khoảng vài nghìn năm trước, hình ảnh của phượng hoàng khá đơn giản, được cho rằng lấy ý tưởng từ một loài chim lớn, thường gọi là long điểu, có họ gần với đà điểu ngày nay, đã tuyệt chủng vào giai đoạn kết thúc của kỷ băng hà.

Tuy nhiên, cùng với sự phát triển của văn hóa và đặc biệt là tính sáng tạo trong hội họa và văn học thời phong kiến sau này, hình ảnh của phượng hoàng cũng trở nên phức tạp hơn. Tương tự như với rồng, phượng hoàng cũng được mô tả là sự kết hợp vẻ đẹp của nhiều loài: đầu gà, hàm én, cổ rắn, lưng rùa, đuôi cá, cánh khổng tước, …

Ở Việt Nam ta, hình ảnh phượng hoàng cũng được du nhập từ Trung Quốc. Tuy nhiên, khi tới Việt Nam, chúng ta có sự kết hợp hình ảnh của chim phượng mà người Trung Quốc nghĩ ra với hình ảnh của loài chim Lạc trên những họa tiết cổ xưa mà ngày nay thường được thấy trên những chiếc trống đồng.

Phượng hoàng cũng là một trong tứ linh, cùng với long (rồng), lân (kỳ lân) và quy (rùa). Loài chim cao quý này cũng thường được ghép đôi với rồng trong nhiều bối cảnh thể hiện. Trong khi rồng biểu thị sức mạnh, quyền uy và trí tuệ của bậc đế vương, thì phượng tượng trưng cho sắc đẹp, sự hài hòa và ấm áp của người phụ nữ. Vì thế, trong các hoàng cung của phương Đông xưa, rồng được coi là biểu tượng của hoàng đế, còn phượng là hình ảnh đi liền với hoàng hậu.

 

Phượng hoàng trong phong thủy và đồ gốm sứ ngày nay

Bởi vẻ đẹp và những ý nghĩa của mình, phượng hoàng rất được ưa chuộng trong phong thủy. Thời xưa, hình ảnh của phượng cũng giống như của rồng, vốn chỉ dành cho hoàng tộc. Nhưng thời nay, rồng và phượng không chỉ là hình tượng của quyền uy tối cao, mà chính là tượng trưng cho những phẩm chất, những điều tốt lành mà mọi con người đều hướng tới.

Phượng hoàng trong phong thủy ngày nay mang rất nhiều ý nghĩa. Đối với một không gian làm việc hay nhà ở, phượng hoàng tượng trưng cho sự thịnh vượng và giàu sang, cũng tượng trưng cho sự hòa hợp và đức độ, vả cả sự trường tồn bất chấp sóng gió và thời gian. Với con người, phượng hoàng đi liền với phái nữ biểu trưng cho vẻ đẹp quyến rũ mà cao quý, sự thông minh, sáng suốt và hiền hòa.

Với những ý nghĩa đó, phượng hoàng rất phổ biến trong các vật phẩm phong thủy ngày nay. Riêng tại xưởng gốm Cương Duyên, hình ảnh phượng hoàng cũng xuất hiện ở nhiều họa tiết gốm sứ.

     

Họa tiết phượng hoàng trên những đồ gốm sứ do Cương Duyên chế tác.

 

Những lộc bình, bình trang trí có hình ảnh chim phượng là những sản phẩm tuyệt đẹp tôn lên sự sang trọng và quý phái của gia chủ, đồng thời cũng mang lại những luồng khí ấm áp, tốt cho sức khỏe và công danh.

Nếu gia đình đã có sản phẩm mang hình rồng, thì càng nên có thêm đồ trang trí mang hoạ tiết chim phượng vì nó tạo nên mối tương quan hài hòa, đặc biệt tốt cho sự êm ấm và hạnh phúc gia đình.

Phượng hoàng dù đặt ở nhà ở hay nơi làm việc đều mang ý nghĩa về sự trường tồn, vĩnh cửu. Gia đình hay doanh nghiệp có hình bóng của chim phượng hàm ý về sự bền vững, bất chấp mọi biến cố và thách thức của thời gian.

Nhiều bát hương cũng mang hình chim phượng thay vì hình rồng. Đó là những bát hương dành riêng cho những người bà, người mẹ đã bao năm vun đắp cho hạnh phúc của cả gia đình bằng tình yêu thương và lòng bao dung vô bờ của mình.

Những sản phẩm gốm sứ phong thủy của Cương Duyên luôn được chế tác một cách tỉ mỉ và tinh tế. Từng họa tiết được vẽ tay một cách kỳ công qua nhiều công đoạn để tạo nên cái hồn cho từng sản phẩm.

Cương Duyên luôn sẵn sàng đón tiếp và tư vấn tận tình để quý khách có được trải nghiệm tốt nhất và chọn được cho mình những sản phẩm ưng ý nhất.

 

CƠ SỞ SẢN XUẤT GỐM SỨ CƯƠNG DUYÊN
•    Xưởng chế tác: Lô A51, KCN Bát Tràng, Gia Lâm, Hà Nội
•    Showroom: K28-29-30, KCN Bát Tràng, Gia Lâm, Hà Nội
•    Cửa hàng 1: Số 136A, Xóm 5, Bát Tràng, Gia Lâm, Hà Nội
•    Cửa hàng 2: Số 47C, Chợ gốm Bát Tràng, Gia Lâm, Hà Nội
•    Điện thoại: 0914 271 092
•    Email: cuongduyen.vn@gmail.com

GỐM SỨ CƯƠNG DUYÊN
Sứ hạng sang - Lam huyền thoại