Quy luật ngũ hành: tương sinh, tương khắc và những điều chưa biết

30/09/2020
PHẠM CẨM LINH
Đã copy link

Quy luật ngũ hành với năm yếu tố Kim, Mộc, Thủy, Hỏa và Thổ vốn dĩ đã vô cùng quen thuộc trong văn hóa phương Đông nói chung và của người Việt Nam nói riêng. Đặc biệt, trong đời sống ngày nay, ngũ hành gắn liền với nhiều quan niệm và nguyên tắc phong thủy trong cả giao tiếp, sinh hoạt và bài trí nội thất.

Trong một bài viết khác, Cương Duyên đã có dịp chia sẻ cùng quý độc giả và quý khách hàng về học thuyết Âm Dương – Bát quái. Trong bài lần này, xin được tiếp tục chia sẻ về nguyên lý ngũ hành, vốn ra đời rất lâu sau học thuyết Âm Dương, nhưng đã có sự kết hợp hài hòa với Âm-Dương và trở thành hệ thống được coi là mang tính triết lý bậc nhất trong nền tinh hoa cổ học của toàn nhân loại.

 

Nguồn gốc của ngũ hành

Thời xa xưa, con người quan sát thế giới quanh mình và đã luôn có khao khát được lý giải những hiện tượng xung quanh, tìm ra những qui luật vận động của trời đất để trước tiên là dự đoán được thiên tai, chế phục được những hiểm họa từ thiên nhiên, và xa hơn là để ứng dụng vào chính cuộc sống thường ngày.

Ở phương Đông, những người Trung Hoa cổ sớm nhận thấy vạn vật quanh mình, dù ở hình thái của sự sống hay của những vật vô tri, dù là một thứ thân thuộc với cuộc sống thường ngày hay một hiện tượng tự nhiên (mưa, gió, sấm sét, động đất, …) cũng đều mang trong mình năm thuộc tính chung gồm Hỏa (lửa), Thủy (nước), Mộc (gỗ, cây), Kim (kim loại) và Thổ (đất). Các học giả từ xa xưa đã đúc kết ra cách để giải thích mọi hiện tượng và sự vật dựa vào năm yếu tố đó và gọi chung là Ngũ hành. Về từ ngữ, trong khái niệm “ngũ hành” thì “hành” là chỉ sự dịch chuyển, hành động, vận hành, hàm ý rằng năm yếu tố này không phải là những thứ vô tri, những vật thể bất biến mà thực tế còn bao hàm triết lý về qui luật vận động của trời đất.

Áp dụng tính chất ngũ hành vào quan sát hàng ngày, người phương Đông xưa nhận thấy sự tương thích đa dạng. Chẳng hạn:

  • Trên bầu trời đêm có 5 hành tinh với màu sắc tương ứng nên được đặt theo ngũ hành: Sao Thổ có màu nâu vàng như đất, Sao Mộc nâu thẫm pha sắc đỏ như màu của thân cây, Sao Hỏa đỏ rực như lửa, Sao Kim vàng trắng và sáng rực như ánh kim, Sao Thủy tối đen như đáy nước sâu thẳm.
  • Các mùa trong năm: mùa hè nóng nực tương ứng với Hỏa, mùa thu mát mẻ và đầy sắc vàng tươi tương ứng với Kim, mùa đông lạnh lẽo ứng với Thủy, mùa xuân cây cối đâm chồi nảy lộc là ứng với Mộc, còn Thổ chính là mặt đất nơi bốn mùa luân chuyển nên ứng với những giai đoạn chuyển giao các mùa.
  • Năm vị cơ bản là chua, đắng, ngọt, cay, mặn.
  • Năm giác quan

Ở phương Tây, việc tìm hiểu các qui luật của thiên nhiên và đúc kết thành các bộ yếu tố cũng không kém phổ biến, mà nổi tiếng nhất là quan điểm của các triết gia Hy Lạp, cho rằng thế giới được tạo thành từ bốn yếu tố là đất, nước, lửa và không khí.

Mặc dù vậy, như trên đã nói, quan niệm ngũ hành của phương Đông luôn được coi là hệ thống quan niệm có tính triết lý cao nhất trong tinh hoa cổ học nhân loại. Lý do chính của việc đó không đâu khác chính là nằm ở quan điểm về sự vận động, vận hành thay vì chỉ gán cho vạn vật một yếu tố vật chất nhất định nào đó. Sự vận động của ngũ hành cũng không độc lập mà có sự liên kết mật thiết với nhau, thể hiện qua qui luật chủ đạo mà chúng ta vẫn nghe tới là tương sinh và tương khắc.

 

Tương sinh và tương khắc của ngũ hành

Quy luật tương sinh và tương khắc của ngũ hành mặc dù không còn xa lạ với nền văn hóa Đông phương, và nhiều người trong chúng ta đã nghe và biết về nó, nhưng nếu tìm hiểu và ngẫm nghĩ về bản chất và lý do mà những quy luật này hình thành, thì chúng ta mới càng thấu hiểu để ứng dụng thật nhuần nhuyễn và mới càng hiểu thêm về nét tinh hoa độc đáo và đầy triết lý nhân sinh này.

Những quy luật về sự tương sinh và tương khắc giữa các hành trong bộ ngũ hành không hề được đặt ra một cách ngẫu nhiên mà được dựa trên sự tương tác hết sức thực tế mà người xưa đã quan sát được.

Tương sinh

  • Mộc sinh Hỏa (có gỗ thì lửa mới dễ xuất hiện và bùng lên).
  • Hỏa sinh Thổ (nhờ có ngọn lửa mới có tro tàn trở thành đất; dung nham nóng chảy khi nguội đi cũng trở thành đất).
  • Thổ sinh Kim (các mỏ kim loại và khoáng chất chứa kim loại hình thành bởi những quá trình địa chất trong lòng đất).
  • Kim sinh Thủy (hơi nước trong không khí ngưng tụ lại khi gặp bề mặt kim loại).
  • Thủy sinh Mộc (có nước thì cây mới phát triển, đâm chồi).

Tương khắc

  • Mộc khắc Thổ (cây hút chất dinh dưỡng làm cho đất khô cằn dần).
  • Thổ khắc Thủy (nước đổ xuống đất sẽ bị hút sạch).
  • Thủy khắc Hỏa (nước có thể dập tắt lửa).
  • Hỏa khắc Kim (lửa làm nóng chảy kim loại).
  • Kim khắc Mộc (cây không mọc được trên nền sắt, ngược lại dao sắc có thể chặt đứt cây).

Ta thấy rằng quy luật tương sinh và tương khắc được hình thành từ sự kết hợp rất hài hòa những quan sát thực tế, và ngược lại phản ánh được rất đúng những qui luật mà đời thường chúng ta quan sát thấy.

Không chỉ dừng lại ở đó, người xưa phát triển thêm những nhận định của mình cũng dựa trên chính những quan sát đó, để đúc kết thành hai nhóm quy luật bổ trợ gọi là phản sinh và phản khắc.

Phản sinh là hiện tượng một hành vốn sinh hành khác nhưng lại quá thừa thãi, khiến cho phản tác dụng như khi ta uống thuốc quá liều.

  • Mộc tuy sinh Hỏa nhưng Mộc mà quá nhiều khi Hỏa quá yếu thì Hỏa bị vùi lấp mà tắt trước khi kịp bén.
  • Hỏa tuy sinh Thổ nhưng Hỏa quá nhiều thì Thổ cũng bị thiêu rụi.
  • Thổ tuy sinh Kim nhưng Thổ quá mạnh thì Kim không có chỗ để phát sinh.
  • Kim tuy sinh Thủy nhưng Kim nhiều thì Thủy bị vẩn đục.
  • Thủy tuy sinh Mộc nhưng Thủy nhiều quá thì Mộc cũng bị diệt (cây bị ngập úng không sống được).

Ngược lại, phản khắc là hiện tượng một hành bị khắc nhưng đồng thời làm suy yếu hành khắc mình, thậm chí nếu đủ mạnh còn có thể triệt tiêu (diệt ngược lại) hành khắc mình.

  • Đất làm cây mục dần, nên Thổ có thể làm suy yếu hoặc diệt lại Mộc.
  • Nước nhiều thì đất không hút được hết mà ngược lại đất sẽ bị rữa, lở, nên Thủy dù bị khắc vẫn làm suy yếu hoặc diệt lại được Thổ.
  • Nước dập được lửa nhưng lửa quá mạnh làm nước bị bay hơi hết, nên Hỏa có thể khắc lại Thủy.
  • Kim loại gặp lửa thì nóng chảy, nhưng đồng thời kim loại hút nhiệt làm lửa bị tiêu tán nên nếu lửa không đủ mạnh thì sẽ mất hết nhiệt khi gặp kim loại mạnh hơn, do đó Kim cũng có thể phản khắc Hỏa.
  • Dao bằng sắt thép chặt cây sẽ cùn dần, mà cây quá cứng thì dao yếu vẫn có thể gãy, nên Mộc dù bị khắc bởi Kim những cũng làm suy yếu Kim.

Như vậy, ta có thể thấy rằng để áp dụng một cách chính xác các quy luật của ngũ hành thì cần có sự thấu hiểu đầy đủ và kết hợp nhiều yếu tố hài hòa, tương hỗ lẫn nhau chứ không thể thuần túy chỉ dựa trên hai nhóm qui luật tương sinh và tương khắc. 

Nếu chỉ dựa thuần túy vào tương sinh, tương khắc mà không tính tới các yếu tố khác thì mọi việc dường như dễ dàng, nhưng trong rất nhiều trường hợp sẽ dẫn tới những hệ quả không mong muốn vì vấp phải qui luật phản sinh, phản khắc do tương quan của các hành tham gia vào không cân xứng. Vì lý do đó, việc áp dụng ngũ hành vào phong thủy trong sinh hoạt và trang trí nội thất nên có sự tham khảo từ các chuyên gia có am hiểu.

Riêng đối với việc mua sắm sản phẩm thờ cúng, trang trí bằng gốm sứ, khi liên hệ hoặc tới với Cương Duyên, khách hàng sẽ luôn được tư vấn tận tình để chọn được sản phẩm ưng ý nhất nhưng cũng đồng thời hợp phong thủy để đạt được hiệu quả hoàn mỹ.

CƠ SỞ SẢN XUẤT GỐM SỨ CƯƠNG DUYÊN
•    Xưởng chế tác: Lô A51, KCN Bát Tràng, Gia Lâm, Hà Nội
•    Showroom: K28-29-30, KCN Bát Tràng, Gia Lâm, Hà Nội
•    Cửa hàng 1: Số 136A, Xóm 5, Bát Tràng, Gia Lâm, Hà Nội
•    Cửa hàng 2: Số 47C, Chợ gốm Bát Tràng, Gia Lâm, Hà Nội
•    Điện thoại: 0914 271 092
•    Email: cuongduyen.vn@gmail.com

GỐM SỨ CƯƠNG DUYÊN
Sứ hạng sang - Lam huyền thoại