Sự tích và ý nghĩa của họa tiết cá chép trong phong thủy

23/10/2020
PHẠM CẨM LINH
Đã copy link

Hình ảnh cá chép trong những bức tranh, những họa tiết trên đồ gốm sứ dùng trong thờ cúng, trưng bày, phong thủy, … luôn mang lại cảm giác thân thuộc, ấm áp nhưng cũng đầy sinh khí. Qua bài viết dưới đây, chúng ta hãy cùng tìm hiểu về nguồn gốc và ý nghĩa của hình ảnh này trong văn hóa dân gian và trong bài trí phong thủy.

Tuy không phải một trong tứ linh như long, lân, quy, phượng, nhưng cá chép lại có một vị trí đặc biệt trong quan niệm dân gian của người phương Đông. Trước hết, có lẽ đó là bởi đây là loài cá phổ biến, có mặt ở sông, hồ, suối, … khắp mọi nơi. Nó cũng đồng thời là loài cá đẹp về hình thể và mang một sức sống mãnh liệt. Vì vậy nên ngay từ hàng ngàn năm trước, nó đã luôn gắn bó thân thuộc với đời sống của người phương Đông nói chung cũng như người Việt Nam ta nói riêng.

Cũng nhờ sự gắn bó thân thuộc này, cá chép đã giành được nhiều sự chú ý, và đi vào những câu chuyện huyền thoại của người phương Đông.

Quen thuộc nhất với chúng ta có lẽ là câu chuyện cá chép vượt sóng vào Vũ Môn.

Huyền thoại xưa ở Á Châu có kể rằng, khi trời đất mới hình thành, chính Trời đã làm ra mưa gió. Nước từ mưa gió, sông, biển, và những sinh vật sống trong nước được Trời tạo ra đầu tiên, đó chính là nguồn phát sinh ra mọi thứ.

Sau vì bận bịu tạo ra người và vạn vật nên Trời không làm mưa gió nữa, mà sai rồng là con vật ở cõi trời, bay lượn ở trên không và phun nước xuống trần gian làm ra mưa.

Nhưng vì số Rồng trên trời ít, không đủ làm mưa cho đều khắp mọi nơi, Trời mới đặt ra một kỳ thi kén chọn các con vật lên làm rồng, gọi là “thi Rồng”.

Khi chiếu chỉ của Trời ban xuống dưới Thủy cung, vua Thủy tề là vị vua trông coi các công việc ở dưới nước, loan báo cho tất cả các giống loài sống ở đó. Các loài nghe tin thì tranh nhau đi thi.

Cuộc thi gồm ba kỳ, mỗi kỳ phải vượt qua một đợt sóng, con vật nào đủ sức, đủ tài, vượt qua cả ba đợt thì mới được hóa Rồng.

Trong một tháng trời, bao nhiêu loài thủy tộc đến thi đều bị loại, vì không con nào vượt trót được cả ba đợt sóng. Có con cá rô nhảy qua được một đợt, đợt sau thì bị rớt. Có con tôm nhảy qua được hai đợt, ruột gan vây vẩy râu đuôi đã gần hóa rồng. Khi đến đợt ba, đuối sức bị ngã nên lưng cong lại.

Đến lượt có một con cá chép vào cuộc thi, con cá này bản chất vốn đã là quý hiếm đặc biệt, vì trong miệng nó có ngậm một viên ngọc trai. Thần gió thấy lạ bay đến để xem, gió, mây ào ạt kéo đến, sấm sét ầm trời, và những đợt sóng cao trổi dậy…

Cá chép nhờ đợt sóng cao đưa lên, vượt luôn một lần qua ba đợt sóng, nhả ngọc vượt qua Vũ Long Môn và hóa rồng.

(Trích và đính chính theo Truyencotich.vn)

 

Trên thực tế, câu chuyện này dựa trên đặc tính của cá chép là loài cá bơi nhanh, có khả nặng nhảy khá cao khỏi mặt nước. Ở Việt Nam, cũng từ ý tưởng này mà nhân dân ta bao đời nay vẫn cúng cá chép vào ngày cúng ông Công, ông Táo 23 tháng Chạp hàng năm, để cá chép có thể hóa rồng đưa các vị đó lên thiên đình gặp Ngọc hoàng.

Cá chép có thể nhảy rất cao khỏi mặt nước.

 

Trong quan niệm phong thủy, cá chép nhờ đó mà được coi là con vật tượng trưng cho sức sống mãnh liệt, cho ý chí luôn vươn lên bất chấp sóng to gió lớn, luôn chiến thắng mọi thách thức trong cuộc đời. Ý chí đó, khao khát đó chẳng phải là điều cần có ở tất cả mọi người hay sao?

Vì ý nghĩa nêu trên, hình ảnh cá chép thường được sử dụng để trưng bày hoặc làm quà tặng với ý nghĩa là lời động viên, lời chúc thành công. Khác với rồng vốn đã là con vật tượng trưng cho thành công rực rỡ, cá chép ngụ ý rằng người được tặng/người sử dụng vẫn chưa hề dừng bước mà vẫn luôn cố gắng, luôn sẵn sàng đối mặt với mọi thử thách để tiến lên và sẽ hóa rồng vào một ngày không xa.

Đối chiếu với học thuyết Phong Thủy, cũng như những loài thủy sinh khác, cá chép tượng trưng cho Thủy khí. Vì vậy, cá chép đặc biệt tốt cho người mang mệnh Thủy và mệnh Mộc. Mặt khác, ngay cả với gia chủ không mang những mệnh tương ứng kia, thì Thủy khí vẫn vô cùng quan trọng. Bản thân trong hai chữ “phong thủy” thì “thủy” đã chỉ yếu tố nước, bởi không gia đình nào, không cơ thể sống nào có thể tồn tại khi không đủ nước. Vì vậy nên cá chép còn mang tính điều hòa thủy khí trong nhà ở, đồng thời tượng trưng cho dòng nước mang theo tài lộc vào nhà.

Về hình thái, cá chép có cấu trúc thủy động học tạo nên cảm quan hài hòa nhưng cũng không kém phần mạnh mẽ và thanh thoát. Bên cạnh đó, nó lại được bổ sung bởi những nét lượn hài hòa của cái uốn mình khi lượn trong dòng nước hay cặp râu rồng lượn sóng hai bên. Vì thế hình ảnh cá chép đặt trong nhà ở hay văn phòng luôn mang lại cho chúng ta cảm giác vừa ấm áp vừa tươi mới và tự tin.

Trong các họa tiết gốm sứ, cá chép cũng khá thường xuyên xuất hiện. Đôi khi, họa tiết chỉ là một chú cá chép đang bơi giữa dòng nước, có lúc khác lại là cả đàn cá quây quần bên nhau như một gia đình, cũng lại có những họa tiết lấy ý tưởng từ những bức họa dân gian như cá chép trông trăng, cá chép vờn sen, …

          

          

 

Những họa tiết gốm sứ này được thể hiện một cách uyển chuyển bởi công đoạn vẽ tay tỷ mỉ của các nghệ nhân do chính Cương Duyên trực tiếp tuyển dụng và đào tạo. Một bức họa có đẹp hay không phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố, nhưng quan trọng trên hết là ở cái tâm yêu nghề của người họa sĩ. Những nghệ nhân của Cương Duyên không chỉ dùng đôi tay tài hoa của mình mà còn thổi cái hồn của mình vào từng tác phẩm qua từng công đoạn từ nhào nặn, vuốt tay, vẽ họa tiết cho tới khi phủ men và đưa sản phẩm vào lò nung.

Rất nhiều sản phẩm mang họa tiết cá chép của Cương Duyên đã được đông đảo khách hàng khen tặng và sử dụng cho hoạt động thờ cúng, tâm linh cũng như làm quà tặng và bài trí phong thủy.

Rất hân hạnh được tư vấn và đón tiếp quý khách!

CƠ SỞ SẢN XUẤT GỐM SỨ CƯƠNG DUYÊN
•    Xưởng chế tác: Lô A51, KCN Bát Tràng, Gia Lâm, Hà Nội
•    Showroom: K28-29-30, KCN Bát Tràng, Gia Lâm, Hà Nội
•    Cửa hàng 1: Số 136A, Xóm 5, Bát Tràng, Gia Lâm, Hà Nội
•    Cửa hàng 2: Số 47C, Chợ gốm Bát Tràng, Gia Lâm, Hà Nội
•    Điện thoại: 0914 271 092
•    Email: cuongduyen.vn@gmail.com

GỐM SỨ CƯƠNG DUYÊN
Sứ hạng sang - Lam huyền thoại