Truyền thuyết và đồ cúng cho Tết Trung thu

Tháng 9 Dương lịch tới là trời sắp bước vào tiết thu phân mát mẻ, và cũng là lúc Tết Trung thu (Rằm tháng 8 Âm lịch) cũng tới rất gần. Dù cuộc sống thay đổi với những điều kiện ngày càng tốt hơn, những tiện nghi công nghệ ngày một xâm chiếm đời sống thường nhật, nhưng mỗi dịp thu tới, cùng không khí nô nức đưa trẻ tới trường thì cũng không gia đình nào quên niềm vui, háo hức đón một lễ Trung thu đầm ấm và rộn niềm vui.
Trong bài này, Cương Duyên xin được chia sẻ cùng quý khách hàng và độc giả đôi điều về nguồn gốc và những nghi lễ của ngày Tết Trung thu.
Tết Trung thu có từ khi nào?
Có lẽ không cần nói thì bất cứ người Việt nào cũng đoán chắc rằng Trung thu đã phải có tối thiểu là hàng trăm năm. Dù già hay trẻ, chúng ta đều biết tới lễ hội đặc biệt này ngay từ những năm đầu đời.
Nói là đặc biệt là không hề quá lời, khi mà có lẽ Trung thu là ngày lễ mang lại nhiều niềm vui nhất cho người phương Đông ta chỉ sau Tết Nguyên đán mỗi năm. Dù mâm cao cỗ đầy hay chỉ thưởng trà ngắm Trăng, thì Trung thu luôn là lúc mọi người đoàn tụ, quây quần bên gia đình, cùng chia sẻ niềm vui và chúc nhau sức khỏe, hạnh phúc.
Trên thực tế, Tết Trung thu khá phổ biến ở các nước Á Đông, nhưng gần nguồn gốc với Trung thu của người Việt ta hơn cả là Trung Quốc. Tuy thế nhưng Trung thu cũng không hẳn là văn hóa mà Việt Nam ta mượn từ đó, mà là sự kết hợp giữa văn hóa Trung Quốc với bản sắc riêng của Việt Nam vốn gắn liền với tập quán lúa nước lâu đời. Chẳng hạn, chúng ta vẫn biết truyện Hằng Nga trên cung Trăng của người Trung Quốc, nhưng lại có chuyện chú Cuội của riêng người Việt mà Trung Quốc không có.
Truyền thuyết
Theo truyền thuyết Trung Quốc, xưa kia có một tráng sĩ tên là Hậu Nghệ bắn cung rất giỏi, vợ của chàng là một cô gái xinh đẹp tên là Hằng Nga. Khi đó, có tới mười Mặt Trời chiếu sáng trên bầu trời làm mặt đất rất nóng nực, cây cỏ chết khô và các dòng sông cạn nước. Hậu Nghệ thương xót muôn loài nên đã giương cung bắn hạ chín Mặt Trời để mùa màng lại được tươi tốt. Sau này, Hậu Nghệ có cơ duyên được ban cho thuốc trường sinh nhưng không uống mà đưa về cho Hằng Nga. Vì chỉ có thể một người uống thuốc nên cả hai đều từ chối vì không muốn phải xa nhau. Thế nhưng có kẻ xấu biết được, lợi dụng khi Hậu Nghệ đi vắng định hãm hại Hằng Nga và cướp đi thuốc quý. Không còn cách nào khác, Hằng Nga đành uống thuốc. Nàng trở thành bất tử và bay thẳng lên bầu trời, sống ở cung Trăng. Hậu Nghệ biết tin, dù rất đau buồn nhưng tất cả đã quá muộn, hàng năm liền chờ dịp rằm tháng tám khi Trăng sáng rõ nhất để có thể nhìn thấy vợ mình thì cùng dân làng bày biện hoa quả, bánh trái mời nàng. Từ đó mà ngày Tết Trung thu ra đời.
Hằng Nga bay lên cung Trăng.
Còn ở Việt Nam ta, có sự tích chú Cuội ngồi gốc cây đa. Cây đa trước sân nhà Cuội vốn là cây đa quý có thể cải tử hoàn sinh cho con người. Sau này lúc đa bị bật gốc bay lên trời, tiếc cây quá nên Cuội bám chặt lấy và lên luôn cung Trăng ngồi mãi dưới gốc đa. Câu chuyện cổ tích này vốn không liên quan tới chuyện Hằng Nga của Trung Quốc. Nhưng khi giao lưu văn hóa suốt bao đời, hai câu chuyện đôi khi được dân ta lồng ghép với nhau, gọi Hằng Nga là chị Hằng, và ghép vào thành đôi với chú Cuội.
Ý nghĩa của Tết Trung thu
Nhìn chung, Trung thu là ngày lễ ra đời vào thời điểm sau khi người nông dân đã thu hoạch vụ mùa của mình, cùng ăn mừng và chúc nhau những điều tốt lành. Dần dà, lễ hội này không còn chỉ liên quan tới người nông dân trồng lúa mà trở thành dịp để các gia đình sum họp, để ngồi bên nhau tâm tình và chia sẻ, để chúc cho nhau những lời chúc sức khỏe, hạnh phúc.
Cũng vì tháng 8 Âm lịch hàng năm trời thường quang mây nên Trăng rất sáng, lại được dịp cùng thưởng trà, nhâm rượu, ngắm Trăng, nên ánh Trăng càng được chú ý và người xưa tin rằng Rằm tháng tám là khi Trăng sáng nhất. Vậy là người ta sáng tạo ra cây đèn ông sao để tô điểm thêm cho đêm Trăng sáng, rồi múa sư tử, múa lân dưới ánh Trăng. Trung thu vì thế trở thành một ngày hội để mọi người cùng vui chơi, cùng làm ra những món đồ chơi tô điểm thêm cho bữa tiệc. Từ đó mà trải qua bao năm, Trung thu dần trở thành ngày mà trẻ nhỏ được mua quà, được dành nhiều sự quan tâm, chứ vốn không phải ngày lễ dành riêng cho thiếu nhi như nhiều người chúng ta ngày nay thường nhầm tưởng.
Cúng gì trong Tết Trung thu?
Mỗi dịp lễ đến, bàn thờ luôn là mối quan tâm hàng đầu của mỗi gia đình Việt Nam. Đồ cúng, vật phẩm nào là phù hợp với từng dịp luôn là điều mà nhiều người quan tâm. Cương Duyên cũng đã nhận được nhiều câu hỏi của khách hàng, và cũng may mắn được nghe chia sẻ hiểu biết của nhiều khách hàng khác về việc này. Dưới đây xin được chia sẻ để quý khách và độc giả cùng tham khảo.
Lễ cúng trong Tết Trung thu vốn là lễ cúng Trăng và thưởng Trăng, nhưng cũng không thể quên rằng việc cúng tổ tiên vẫn cần được làm song hành vì ngoài ngưỡng vọng Mặt Trăng thì Trung thu còn là ngày lễ đoàn viên của gia đình, không thể vắng mâm cỗ mời tổ tiên.
Khác với cúng tất niên vào dịp chuẩn bị đón năm mới, cúng Trung thu không chú trọng gà, lợn, trâu, bò, mà chủ yếu là hoa quả, bánh kẹo. Bánh Trung thu nên có đủ cả bánh nướng, bánh dẻo, nếu có thể thì cả bánh làm hình Mặt Trăng, bánh hình cá chép, bánh hình chú lợn …
Mâm ngũ quả càng không thể thiếu trong dịp này. Các loại hoa quả tươi, ngon, bổ dưỡng đều có thể được dùng trong dịp này, miễn sao thật đẹp mắt: chuối, hồng, cam, táo, na, …. Nhưng phổ biến hơn cả trong văn hóa đón Trung thu của dân tộc ta là bưởi. Theo phong tục xưa, các gia đình thậm chí còn thường tết bưởi thành hình một chú chó ngộ nghĩnh đặt giữa mâm ngũ quả. Việc này vốn mang ý nghĩa tưởng nhớ chú chó trung thành của Cuội đã hi sinh vì chủ trong câu chuyện cổ tích dân gian.
Sản phẩm đồ thờ và vật phẩm phong thủy cao cấp của Cương Duyên.
Mâm cỗ Trung thu thật quan trọng. Nhưng để mâm cỗ đẹp mắt hơn, sang trọng hơn, linh thiêng hơn, thì ngoài hoa quả, bánh kẹo ra, đồ thờ được sử dụng cũng không nên xem nhẹ. Một chiếc bát hương được vẽ tay tinh xảo, hay một chiếc đĩa thờ mang hình cá chép thưởng Trăng với sắc lam sáng bóng sẽ mang lại đầy đủ những sắc màu và ý nghĩa cần có cho mâm cỗ ngày đoàn viên.
Dịp Trung thu sắp đến, cơ sở sản xuất của Cương Duyên đang tất bật với những sản phẩm mới ngày càng đa dạng, phục vụ cho ngày lễ sum họp mà mọi người đang chờ đợi cũng như cho mọi hoạt động thờ cúng và tâm linh nói chung.
Đặc biệt, Cương Duyên giảm giá 5% tổng giá trị đơn hàng khi khách hàng mua hàng online và 10% khi mua trực tiếp tại xưởng trong dịp này.
Kính mời quý khách tới với Cương Duyên hoặc liên hệ ngay theo các thông tin dưới đây để được tư vấn và phục vụ.
CƠ SỞ SẢN XUẤT GỐM SỨ CƯƠNG DUYÊN
• Xưởng chế tác: Lô A51, KCN Bát Tràng, Gia Lâm, Hà Nội
• Showroom: K28-29-30, KCN Bát Tràng, Gia Lâm, Hà Nội
• Cửa hàng 1: Số 136A, Xóm 5, Bát Tràng, Gia Lâm, Hà Nội
• Cửa hàng 2: Số 47C, Chợ gốm Bát Tràng, Gia Lâm, Hà Nội
• Điện thoại: 0914 271 092
• Email: cuongduyen.vn@gmail.com
